Xây dựng thương hiệu và cách quản lý MC của truyền hình Mỹ | ||
Cùng với sự phát triển chung của ngành truyền thông trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây, truyền hình Mỹ đã sản sinh ra một lượng lớn những người dẫn chương trình xuất chúng. Thực tế cho thấy quá trình phát triển ngành truyền hình Mỹ có sự gắn bó mật thiết với lực lượng người dẫn chương trình nổi danh, hay nói ngược lại những MC tài danh có khả năng đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của truyền hình. Lựa chọn MC: Tầm quan trọng của danh tiếng Ở Mỹ không có những trường đào tạo chuyên nghiệp về nghề dẫn chương trình, vì thế những MC danh tiếng của Mỹ có thể xuất thân từ bất cứ trường lớp hoặc chuyên ngành nào. Các hãng truyền hình Mỹ khi lựa chọn MC thường dựa vào khả năng của chính người đó chứ không câu nệ vào tiểu sử học tập của họ. Cái mà nhà đài quan tâm là kinh nghiệm và năng lực làm việc của ứng cử viên dẫn chương trình, đặc biệt là những người đã có danh tiếng và ảnh hưởng nhất định trong giới truyền thông. Đánh giá MC: Lấy tỷ lệ khán giả theo dõi chương trình làm tiêu chuẩn Đa số các hãng truyền hình Mỹ thuộc những tập đoàn truyền thông thương nghiệp, vì thế mục tiêu quan trọng cuối cùng mà họ theo đuổi chính là tối đa hóa lợi nhuận. Do đó các kênh truyền hình Mỹ khi chọn MC thường chú trọng đến danh tiếng và thương hiệu của MC đó có khả năng thu hút khán giả truyền hình và làm tăng tỷ lệ theo dõi của khán giả, từ đó khuyếch trương giá trị thương hiệu của mình. Cũng vì lý do đó mà tỷ lệ theo dõi truyền hình đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá, lựa chọn cao nhất và duy nhất của rất nhiều nhà sản xuất truyền hình. Mỗi khi tỷ lệ theo dõi giảm xuống, người ta liền thay đổi người dẫn chương trình như một biện pháp cứu cánh hữu hiệu. Nếu như người dẫn chương trình không thể hiện được khả năng của mình trong công việc và tỷ lệ khán giả theo dõi giảm xuống, cách giải quyết duy nhất là sa thải người dẫn chương trình hoặc cắt bỏ chương trình đó. Quản lý MC: Ký kết hợp đồng pháp lý Mỹ là một quốc gia pháp chế, vì thế trong vấn đề quản lý MC yếu tố pháp luật cũng được chú trọng. Trong hợp đồng giữa hai bên MC và đài truyền hình, ngoài việc quy định rõ mức lương của MC và thời hạn làm việc, hợp đồng cũng quy định nghiêm ngặt vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên. Từ hiệu quả thực tế cho thấy, những lợi ích từ hợp đồng quản lý MC không chỉ làm rõ trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích của MC và nhà đài mà còn có tác dụng kích thích tính tích cực của MC, đồng thời đơn giản hóa quy trình quản lý MC, từ đó làm giảm chi phí quản lý MC, tạo khoảng không gian tự do giữa đài truyền hình và MC từ đó khiến cho MC có thể tự do phát huy khả năng sáng tạo của mình. Sử dụng MC: Lấy MC làm trung tâm MC không chỉ là biểu tượng mang tính thương hiệu của chương trình mà còn là mấu chốt những hoạt động nghiệp vụ bên trong của chương trình. Vì thế vai trò của người dẫn chương trình là vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của chương trình đó, do đó các hãng truyền hình Mỹ không ngần ngại chi ra những khoản tiền lớn để chiêu mộ được những MC tài năng, MC là một trong những nghề kiếm ra nhiều tiền nhất tại Mỹ. Ngoài ra, người dẫn chương trình cũng có quyền lực cao trong các hoạt động sản xuất chương trình mà họ đảm nhận, đặc biệt là trong những chương trình bản tin thì tác dụng quyết sách và sự tham dự vào việc lựa chọn chủ đề và quá trình chế tác càng ngày càng lớn. Điển hình như MC của chương trình bản tin buổi tối của 3 kênh truyền hình lớn của Mỹ, họ đều có thể lấy tên của mình gắn với tên chương trình, và có tiếng nói quyết định trong quá trình biên tập nội dung và phong cách của chương trình. Nhằm làm nổi bật và bổ sung hiệu ứng thương hiệu của MC, các hãng truyền hình lớn của Mỹ cũng rất tích cực tuyền truyền cho hình ảnh của MC. Họ không chỉ dành nhiều thời gian và thời lượng phát sóng nhằm giới thiệu chương trình của MC mà còn sử dụng các phương tiện truyền thông khách như Internet, email và các mạng xã hội để làm tăng giá trị và khả năng thâm nhập xã hội của MC. |